Một vài người tìm cách chia tay người yêu cho nhẹ nhàng, hoà nhã và ít gây tổn thương nhất. Thế nhưng, việc này là vô cùng khó khăn bởi nó ảnh hưởng rất nhiều tới cảm xúc của cả hai bên. Vậy đâu là chìa khóa cho một cuộc chia tay êm đềm? Lời giải sẽ được bật mí ngay trong bài viết dưới đây.
Danh mục
1/ Thời điểm thích hợp nói lời chia tay
Bạn chỉ nên nói lời chia tay khi đã suy nghĩ thật kỹ và xác định rõ mình không còn tình cảm với đối phương nữa. Việc tiếp tục duy trì mối quan hệ chỉ làm cả hai tốn thời gian.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định kết thúc, bạn nên trao đổi với người ấy về vấn đề của cả hai. Đó có thể là những điều bạn không hài lòng về cách ứng xử của họ, cũng có thể là những điều bạn còn băn khoăn nếu tiếp tục tiến xa hơn. Việc làm này sẽ giúp đối phương có cơ hội nhìn nhận và thay đổi (nếu có thể).
Cuối cùng, nếu bạn vẫn quyết định chia tay, các chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên chọn cách gặp mặt trực tiếp để trò chuyện cùng đối phương. Bởi việc chia tay qua tin nhắn, email, thư tay sẽ khiến họ cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng.
Bạn cũng nên cân nhắc lựa chọn thời gian và địa điểm sao cho phù hợp. Thời gian thích hợp nhất là khi cuộc sống của đối phương hoàn toàn bình ổn. Và khi không có điều gì khiến họ căng thẳng, bực dọc.
ĐỌC THÊM: CÁCH ĐỂ QUÊN NGƯỜI YÊU CŨ
2/ Cách chia tay người yêu
Đến với nhau đã khó, chia tay thế nào cho êm đềm, tránh gây tổn thương tới đối phương còn khó hơn. Rất nhiều cặp đôi đã không thể nhìn mặt nhau nữa chỉ vì họ nói ra lời chia tay không đúng cách.
Dưới đây là một số cách chia tay người yêu giúp bạn nhanh chóng cắt đứt những hỗn độn mà không đặt mình và đối phương vào tình thế khó xử.
2.1/ Nhận một phần trách nhiệm về mình
Cuộc chia tay sẽ diễn ra thật thoải mái và êm đẹp nếu bạn nhận một phần trách nhiệm về phía bản thân mình. Điều này sẽ khiến đối phương không quá day dứt, hoang mang và tự vấn liệu mình có sai hay không.
Việc nhìn nhận rõ những vấn đề thực sự đang xảy ra ở mối quan hệ hiện tại sẽ làm giảm đi những căng thẳng sau chia tay. Đối phương sẽ cảm thấy thoải mái và được trân trọng kể cả khi hai bạn đã dừng lại.
2.2/ Nói ngắn gọn và dứt khoát
Nếu bạn đã sẵn sàng để nói lời chia tay, hãy bày tỏ với đối phương bằng thái độ thẳng thắn và dứt khoát nhất. Thái độ đó của bạn sẽ khiến họ hiểu được tính nghiêm túc và tầm quan trọng của vấn đề.
Tuy hiện tại có thể bạn cảm thấy sự ngắn gọn và dứt khoát của bản thân khiến đối phương đau lòng, tổn thương. Nhưng nếu bạn lấp lửng hoặc dè chừng, người ấy sẽ có thêm hy vọng tái hợp, hàn gắn một mối quan hệ không thể cứu vãn. Điều đó rất khó xử cho cả hai sau này.
Cho dù thời gian đầu có thể đối phương sẽ đau khổ, buồn chán. Nhưng dần dần người đó sẽ cảm thấy ổn. Hơn nữa họ còn dành cho bạn sự tôn trọng bởi sự trung thực và thẳng thắn trước đây của bạn.
2.3/ Không đổ lỗi cho đối phương
Khi bắt đầu một mối quan hệ, ai cũng hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với tình yêu của mình. Tuy nhiên, không phải mối tình nào cũng sẽ đi tới hạnh phúc. Chuyện tình tan vỡ không phải lỗi từ một phía, có lúc bạn sai, cũng có khi người ấy không đúng.
Việc than trách, đổ lỗi cho đối phương không những không giải quyết được gì mà còn khiến cả hai thêm tổn thương. Bạn có thể mở lời bằng cách nói về việc cả hai đã cố gắng hết sức để vun đắp và cứu chữa nhưng cuộc tình vẫn không có sự hoà hợp. Vì vậy, chia tay là cách tốt nhất cho mối quan hệ này.
Cũng qua đây, bạn hy vọng cả hai sẽ nghiêm túc nhìn nhận, học hỏi những sai lầm của đối phương và tránh để nó phát sinh trong những mối quan hệ khác.
2.4/ Hãy thẳng thắn chia sẻ về cảm giác của bản thân
Thẳng thắn chia sẻ cảm xúc thật của bản thân là cách thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Ai cũng biết chia tay là đau đớn, là tổn thương, là tiếc nuối. Thế nhưng, bạn hãy cho người ấy thấy rằng bạn không hề muốn cuộc chia ly này xảy ra. Chỉ bởi cả hai không còn phù hợp với nhau như trước, nên đây là kết quả không thể tránh khỏi.
Và họ sẽ dần cảm thấy khá hơn khi cảm nhận được sự chân thành đến từ phía bạn. Đối phương hiểu quyết định này là điều cần thiết cho mối quan hệ của hai bạn và việc nên làm bây giờ là chia tay trong êm đềm, văn minh.
2.5/ Chia tay trực tiếp, đừng làm điều đó ở nơi công cộng
Có rất nhiều cách để kết thúc một mối quan hệ, bạn có thể bày tỏ trực tiếp, cũng có thể bộc bạch gián tiếp. Việc chia tay qua tin nhắn khiến phần lớn đối phương cảm thấy thất vọng và buồn bực.
Tuy gặp trực tiếp sẽ rất khó để mở lời, nhưng ít nhất điều đó thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho người ấy. Lúc này, bạn cần lựa chọn một nơi phù hợp để nói lời chia tay. Đừng nên chia tay tại nơi quá đông người và ồn ào. Điều đó sẽ khiến họ cảm thấy khó khăn trong việc bộc lộ tâm tư của bản thân.
Việc chọn một địa điểm riêng tư dành cho cả hai cũng là cách bạn bảo vệ đối phương khỏi những ánh mắt soi mói, bàn tán nơi công cộng.
2.6/ Không nên cố gắng làm bạn sau khi chia tay
Tình yêu có thể bắt đầu từ tình bạn thân thiết, nhưng ngược lại thì không. Thật khó để bình thường và làm bạn với người mình từng gắn bó. Việc gặp gỡ, trò chuyện với tình cũ sẽ khiến cả hai trở nên lưu luyến, dễ rung động và khó dứt.
Khi làm bạn trở lại, mối quan hệ bạn bè giữa hai người phần lớn đều dựa vào những kỉ niệm cũ. Điều này có khả năng khơi gợi những cảm xúc tiêu cực còn sót lại từ cuộc chia tay.
3/ Phải làm gì sau khi chia tay để bớt buồn
Dù là người chủ động hay bị động chia tay, chắc hẳn bạn vẫn sẽ có cảm giác tổn thương, buồn bã và nhớ nhung quá khứ. Dưới đây là một số cách để bạn thoát khỏi tâm trạng tồi tệ đó.
3.1/ Hướng đến suy nghĩ lạc quan, tích cực
Sau khi chia tay, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, chán nản, mất hứng thú trong mọi việc. Điều tốt nhất ở thời điểm hiện tại là bạn nên tập trung vào những cơ hội mới, dành thời gian để thấu hiểu con người bên trong mình.
Bạn hãy luôn suy nghĩ “chia tay là chuyện bình thường”. Đừng chần chừ mà hãy buông bỏ quá khứ, ra ngoài và mở rộng mối quan hệ sẽ để bạn thấy cuộc sống có nhiều niềm vui và những điều thú vị.
3.2/ Cắt đứt mọi liên lạc sau khi chia tay
Nếu mối quan hệ của bạn đã kết thúc, tốt nhất bạn nên nghiêm túc cắt đứt mọi liên lạc trong khoảng thời gian đầu. Bởi việc tiếp xúc sau chia tay sẽ khiến quá trình chữa lành của bạn thêm phần khó khăn.
Để làm được điều đó, bạn cần phải kiềm chế bản thân, cố gắng không gọi cho đối phương và giữ khoảng cách ở một giới hạn nhất định. Trong trường hợp bạn không thể chịu được, hãy chặn số điện thoại và các trang mạng xã hội của họ một thời gian để bình tâm suy nghĩ, ổn định tinh thần.
3.3/ Chia sẻ tâm sự với người thân, bạn bè
Khi xem xét mối quan hệ của chính mình, chúng ta thường đánh giá và nhìn nhận nó dưới góc độ chủ quan. Đối với người thân hoặc bạn bè thì lại khác. Họ là người có thể cảm nhận được những điều đang xảy ra với bạn.
Vì vậy, đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ gia đình hoặc bạn bè khi bản thân gặp chuyện không vui. Hãy giãi bày, tâm sự với họ những gì bạn đã và đang trải qua. Bạn xứng đáng có được niềm vui, sự quan tâm, sẻ chia thay vì những tổn thương từ mối tình đã cũ.
3.4/ Đi du lịch
Cách tốt nhất để chữa lành vết thương lòng là ngừng suy nghĩ về mối quan hệ đã kết thúc. Bạn hãy lên kế hoạch khám phá những vùng đất mới, tích cực trải nghiệm những thứ mới lạ.
Hoạt động này sẽ khiến tâm trạng của bạn thoải mái hơn rất nhiều so với việc tự “gặm nhấm” nỗi buồn tại nhà. Sau khi kết thúc chuyến du lịch, bạn hãy bình tĩnh và quay lại với cuộc sống ngày thường. Đừng để việc chia tay ảnh hưởng đến những điều quý giá đang chờ đợi trước mắt.
Sẽ thật buồn nếu bạn phải đắn đo về cách chia tay người yêu như thế nào cho êm đẹp. Kết thúc một mối quan hệ là điều không ai mong muốn, hy vọng bài viết đã giải đáp phần nào thắc mắc của bạn. Đồng thời giúp bạn mạnh mẽ vượt qua những cảm xúc tiêu cực từ mối quan hệ cũ.